Công nghệ Blockchain và các ứng dụng trong thực tiễn
Công nghệ Blockchain được xem là "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy công nghệ Blockchain là gì? Và các ứng dụng trong thực tiễn ra sao?
Công nghệ Blockchain là gì?
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin dữ liệu bằng các khối (block) được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Từng khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.
Blockchain được coi như cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số. Blockchain sở hữu rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin trong truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi bên trung gian để xác nhận thông tin.
Bên cạnh đó, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu khi một chuỗi Blockchain được quản lý bởi mạng lưới phi tập trung. Dữ liệu đã được ghi vào một khối thì không thể thay đổi nếu không thực hiện thay đổi ở các khối liền kề. Hay nói cách khác, thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Vì thế đây là hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và các nút khác sẽ tiếp tục bảo vệ thông tin và giữ cho mạng lưới tiếp tục hoạt động.
Đặc điểm chính của Blockchain
- Không thể bị làm giả và phá hủy các chuỗi Blockchain: Chỉ bị phá hủy khi không còn internet.
- Bất biến: Nếu giao dịch hoặc dữ liệu đã được ghi bởi người nắm giữ private key (mã khóa bí mật - chỉ người khởi tạo Blockchain mới có) dữ liệu đó không thể sửa chữa.
- Bảo mật dữ liệu: Các thông tin, dữ liệu về các chuỗi blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối. Chỉ có người giữ private key mới có quyền truy xuất.
- Minh bạch: Ai cũng có thể theo dõi được đường đi của blockchain từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.
- Hợp đồng thông minh: Các kỹ thuật số được nhúng bởi một đoạn code (IFTTT), cho phép chúng tự thực thi. Trong thực tế, sẽ có một bên trung gian bảo đảm các bên liên quan đều tuân thủ các điều khoản.
Các loại và các phiên bản công nghệ Blockchain
-
Hệ thống công nghệ Blockchain chia thành 3 loại chính:
- Public: Ai cũng có quyền đọc, ghi dữ liệu. Quá trình xác thực giao dịch đòi hỏi phải có hàng nghìn hay hàng vạn nút tham gia. Do đó tấn công vào hệ thống Blockchain này là điều không thể vì chi phi khá cao. Ví như: Bitcoin.
- Private: Người dùng chỉ có quyền đọc dữ liệu. Tổ chức này có thể hoặc không cho phép người dùng đọc dữ liệu trong một số trường hợp. Vì đây là một Private Blockchain, cho nên thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì chỉ cần một lượng nhỏ thiết bị tham gia xác thực giao dịch.
- Permissioned: Một dạng của private nhưng bổ sung thêm một số tính năng nhất định.
-
Phiên bản của công nghệ Blockchain:
- Bản 1.0 – Tiền tệ, thanh toán: gồm chuyển đổi tiền tệ, lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số.
- Bản 2.0 – Tài chính, thị trường: xử lý tài chính và ngân hàng: mở rộng quy mô của Blockchain, đưa vào các ứng dụng tài chính và thị trường. Các tài sản: cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và các điều liên quan đến thỏa thuận/hợp đồng.
- Bản 3.0 – Thiết kế, giám sát: Đưa Blockchain đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật..
Ứng dụng của Blockchain trong thực tế
Tính bảo mật và phi tập trung đã khiến blockchain phù hợp để thực hiện các bản ghi dữ liệu sự kiện, hồ sơ y tế, quản lý hộ tịch, quản lý giao dịch, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hay trong các cuộc bầu cử bỏ phiếu.
Đối với sản xuất:
- Nếu doanh nghiệp sản xuất sữa ứng dụng Blockchain vào quản lý chất lượng sản phẩm thì nhà quản lý & người tiêu dùng có thể truy xuất được các thông tin.
- Nhà sản xuất có thể thống kê và lưu trữ toàn bộ sữa đó trên thị trường, biết được số lượng sữa được tiêu thụ, số lượng sữa còn hạn & đã hết hạn.
Đối với người tiêu dùng:
- Người tiêu dùng có thể ứng dụng Blockchain để kiểm tra thông tin hộp sữa có phải hàng chính hãng hay không nhằm ngăn chặn sản phẩm nhái trên thị trường.
- Walmart – nhà bán lẻ tại Mỹ là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng Blockchain. Hiện tại, thương hiệu đã sử dụng Blockchain để theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc.
Đối với lĩnh vực y tế:
- Khi người bệnh đi khám hay xét nghiệm, mọi kết quả khám bệnh của họ sẽ được lưu trữ. Việc sử dụng công nghệ Blockchain sẽ giúp người bệnh bảo mật toàn bộ thông tin và chỉ số xét nghiệm của mình. Trong trường hợp người bệnh có nhu cầu chuyển sang bệnh viện khác ở bất kỳ đâu, họ chỉ cần kết chuyển thông tin trên chuỗi Blockchain cho dù hai bệnh viện (nơi khám ban đầu và nơi chữa bệnh mới) không cùng ngôn ngữ hay sử dụng phần mềm khác nhau.
Đối với ngành tài chính:
- Nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ Blockchain vào các hoạt động nghiệp vụ của mình.
- Tại Châu Á, OCBC Bank là ngân hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ Blockchain trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế. Điều này đã làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Công nghệ Blockchain được xem là phương pháp cắt giảm chi phí và thời gian thanh toán bù trừ giao dịch liên ngân hàng cũng như tạo ra hệ thống an toàn hơn. Điều đặc biệt là nhiều tổ chức tài chính đã hình thành các liên minh để thương mại hóa công nghệ Blockchain: Ví như liên minh R3 của 3 ngân hàng lớn nhất của nước Úc bao gồm Westpac, Commonwealth, NAB cùng với 40 ngân hàng và nhiều tổ chức tài chính khác trên toàn thế giới.
Và Bitcoin chính là ứng dụng đầu tiên của Blockchain, một đồng tiền phân cấp ngang hàng trên mạng máy tính đã làm “mưa làm gió” thị trường tài chính Việt Nam.
Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain được ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%), năng lượng (30%), giáo dục (30%),... Cho đến hiện tại, phần lớn startup sử dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính như VBTC.
Blockchain là kho tàng quý giá hay chỉ là phế phẩm tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi doanh nghiệp. Tận dụng tốt, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thi trường.
Xem thêm:
➡️Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động đến ngành bán lẻ Việt Nam
- Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động đến ngành bán lẻ Việt Nam
- Big Data – Làm thế nào doanh nghiệp tận dụng tốt nguồn dữ liệu lớn?
- Thay đổi nhận thức trong quản trị doanh nghiệp kỷ nguyên 4.0
- Làm sao để doanh nghiệp tạo đột phá trong làn sóng cách mạng 4.0 & IoT
- 5 lưu ý phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng 4.0